1. Nguyên nhân gây ra khối u lành tính
Khối u lành tình thường không gây xâm lấn sang những cơ quan khác và ít nguy hiểm hơn so với những khối u ung thư. Bất cứ vị trí nào trên cơ thể cũng có thể xuất hiện những khối u lành tính. Một số loại khối u lành tính như xơ cứng tuyến vú (xảy ra do các mô trong thùy vú phát triển quá mức), u mỡ (xuất hiện khi có hiện tượng chất béo tích tụ dưới da),...
U lành tính thường không xâm lấn các cơ quan khác
Hiện nay, vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân chính xác gây ra những khối u lành tính. Tuy nhiên, một số yếu tố như ăn uống không lành mạnh, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, căng thẳng kéo dài, nhiễm virus,... được đánh giá những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện khối u trên cơ thể.
Ở cơ thể khỏe mạnh, quá trình phát triển và phân chia tế bào được cân bằng. Khi tế bào cũ chết đi sẽ được thay thế bởi những tế bào mới và khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi tế bào phân chia, tăng sinh quá mức có thể tạo ra những khối u. Như vậy, cơ chế hình thành khối u lành tính và ác tính thường tương tự nhau. Điểm khác biệt ở chỗ, những khối u lành tính không xâm lấn sang các bộ phận khác của cơ thể.
2. Khối u lành tính có nguy hiểm không?
Rất nhiều người khi biết mình có khối u lành tính vẫn cảm thấy vô cùng lo lắng. Tuy nhiên, đây là những khối u thường không gây nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh và có thể kiểm soát được. Nhiều bệnh nhân vẫn có thể sống chung với những khối u lành tính này mà không cần quá lo lắng vì chúng không gây ảnh hưởng đến sức khỏe và không làm giảm chất lượng sống.
U lành tính thường không gây nguy hiểm
Tuy nhiên, ở một số trường hợp khác, khối u có thể tiến triển (do nhiều yếu tố chẳng hạn như tiếp xúc với môi trường độc hại, lối sống không lành mạnh,...) và gây nguy hiểm cho người bệnh. Các trường khối u lành tính nhưng lại xảy ra ở những vị trí nguy hiểm và gây chèn ép mạch máu và hệ thần kinh hoặc kích thước khối u ngày càng to thì cần được điều trị sớm để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm.
3. Khối u lành tính có đau không?
Nhiều người thắc mắc “khối u lành tính có đau không”. Trên thực tế, các khối u, bao gồm cả u lành tính và u ung thư đều xuất hiện rất ít triệu chứng, thậm chí ở giai đoạn đầu, bệnh nhân không có biểu hiện gì đặc biệt. Khi xuất hiện khối u lành tính, có người bệnh gặp phải triệu chứng đau nhức và mệt mỏi nhưng cũng có những trường hợp không xuất hiện triệu chứng này.
Một số bệnh nhân bị đau do u lành tính
Thông thường, tùy thuộc vào vị trí khối u và các cơ quan bị ảnh hưởng mà người bệnh sẽ gặp phải những triệu chứng khác nhau. Một số triệu chứng của khối u lành tính như sau:
- Đau nhức đầu, giảm thị lực, trí nhớ kém (thường gặp ở các trường hợp u não lành tính).
- Xuất huyết bất thường (hay gặp ở những trường hợp có khối u trong tử cung).
- Khó thở: Thường xảy ra ở những trường hợp có khối u ở vùng miệng, mũi, cổ họng hoặc phổi.
- Các khối u lành tính ở các cơ quan nhưng gây chèn ép các cơ quan này thì có thể gây ra các triệu chứng của cơ quan bị chèn ép.
- Các khối u mỡ có kích thước lớn ở lưng hoặc vùng tì đè có thể bị đau hoặc gây cản trở sinh hoạt nếu bị tì đè nhiều.
4. Phương pháp chẩn đoán và điều trị các khối u lành tính
4.1. Phương pháp chẩn đoán bệnh
Trước hết, các bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và khai thác một số thông tin cần thiết từ người bệnh.
Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm chẳng hạn như: xét nghiệm máu, chụp X-quang, chụp CT, chụp cộng hưởng từ, siêu âm, nội soi, sinh thiết.
4.2. Phương pháp điều trị khối u lành tính
Có nhiều trường hợp khối u lành tính có kích thước nhỏ, không gây triệu chứng và ít có nguy cơ gây nguy hiểm cho bệnh nhân thì không cần phải điều trị. Người bệnh chỉ cần thăm khám định kỳ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Phẫu thuật loại bỏ khối u lành tính
Tuy nhiên, trong một số trường hợp khối u gây mất thẩm mỹ hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị sớm. Hiện nay, phẫu thuật là phương pháp phổ biến trong điều trị các khối u lành tính. Mục tiêu của phương pháp phẫu thuật là giúp người bệnh loại bỏ khối u ra khỏi cơ thể mà không gây ảnh hưởng đến các mô xung quanh.
Với những trường hợp khối u không quá to có thể được thực hiện bằng phương pháp mổ nội soi, giúp giảm nguy cơ chảy máu và người bệnh cũng có thể phục hồi nhanh chóng hơn. Trong một số trường hợp khối u nằm ở vị trí nguy hiểm và phẫu thuật không đảm bảo an toàn thì bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc, hóa trị hoặc xạ trị.
Dù có thực hiện điều trị khối u lành tính hay không, bạn vẫn nên thường xuyên khám sức khỏe định kỳ theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Với những trường hợp chưa phẫu thuật loại bỏ khối u, cần đến các cơ sở y tế thăm khám thường xuyên để theo dõi khối u có đang phát triển hay không, từ đó kịp thời đưa ra phương pháp xử trí phù hợp. Nếu khối u lành tính không biến đổi, không gây khó chịu và không gây mất thẩm mỹ, bạn hoàn toàn có thể sống chung với nó cả đời.
Việc xác định có khối u hay không, khối u lành tính hay ác tính,... cần được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao và hệ thống máy móc xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh hiện đại. Do đó, không phải cơ sở y tế nào cũng có khả năng thực hiện và đảm bảo mang lại kết quả chính xác.