1. Các loại khối u tuyến vú
U tuyến vú là những khối u xuất hiện ở vùng quanh mô vú. Những khối u này đa dạng về kích thước và hình dạng.
1.1. Các trường hợp u lành tính
- Xơ nang tuyến vú: Là sự phản ứng của các nhu mô vú, tuyến vú trước sự rối loạn nội tiết tố nữ, từ đó hình thành những tổn thương xơ nang tuyến vú.
Nhóm tuổi từ 30 đến 50 dễ gặp phải tình trạng này. Trước những ngày kinh nguyệt, kích thước những tổn thương xơ nang tuyến vú tăng lên và sau thời kỳ nguyệt, có xu hướng giảm đi. Sau thời kỳ mãn kinh, những tổn thương này có thể biến mất.
Nữ giới lo lắng khi sờ thấy u tuyến vú
- U sợi tuyến vú: Có thể xuất hiện ở 1 hoặc cả 2 bên vú. Bệnh thường gặp ở người trẻ. Những khối u này được hình thành nên từ mô liên kết và mô tuyến.
- U nhú trong ống tuyến vú: Phụ nữ từ 35 đến 55 tuổi là đối tượng có nguy cơ cao bị bệnh.
- Áp xe: Là những cục cứng xuất hiện tại tuyến vú do nhiễm trùng. Trong khối này thường chứa nhiều mủ, vùng áp xe thường mẩn đỏ, gây đau đớn cho người bệnh, ở núm vú thường tiết ra dịch,...
- U mỡ: Nguyên nhân gây ra u mỡ chính là sự tích tụ của những tế bào mỡ ở dưới da vú. Những khối u này thường mềm, có khả năng di chuyển, khả năng phát triển chậm.
1.2. Khối u vú ác tính hay ung thư vú
Ung thư vú không được phát hiện sớm, những khối u này sẽ ngày càng phát triển và xâm lấn sang cả những cơ quan khác trong cơ thể và gây ra những biến chứng sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí, có thể gây tử vong.
Tuy nhiên, ung thư vú cũng là loại ung thư có cơ hội điều trị hiệu quả cao, thậm chí nhiều trường hợp đã được chữa khỏi bệnh do được phát hiện bệnh ngay ở giai đoạn đầu.
2. U tuyến vú gây ra những triệu chứng như thế nào?
2.1. U lành tính có đặc điểm gì?
- Sờ thấy khối ở vú có đặc điểm như tròn đều, di động, bề mặt nhẵn, kích thước từ vài milimet đến vài centimet, ở một bên hoặc cả hai bên vú.
Kiểm tra vùng nách để phát hiện u tuyến vú.
- Ấn vào khối u đó có thể có cảm giác đau tức. Trong nhiều trường hợp, khối u gây đau trước kỳ kinh, nhưng sau kỳ kinh lại bình thường.
- Da vú bình thường, không có co kéo hoặc thay đổi màu sắc da vú
2.2. U ác tính và một số triệu chứng thường gặp
- Khối u cứng và thường có đặc điểm bề mặt không phẳng, gồ ghề, ranh giới không rõ, di động kém hoặc không di động.
- Vùng da quanh vú có biểu hiện nhăn nheo hoặc mẩn đỏ, hay có biểu hiện phồng lên bất thường.
- Đau tại một vị trí cụ thể trong tuyến vú.
- Núm vú chảy máu, núm vú thụt vào trong, có hiện tượng đóng vảy trên núm vú,...
2.3. Những dấu hiệu cho biết bạn nên đi khám sớm
Nếu xuất hiện những biểu hiện sau đây, bạn nên đi khám tuyến vú sớm:
- Xảy ra tình trạng đau vú và sau kỳ kinh những cơn đau này vẫn tiếp diễn.
- Khối u tồn tại từ lâu và có xu hướng ngày càng to hơn, hoặc có thêm nhiều cục u mới.
- Hình dáng vú thay đổi, kích thước vú cũng bất thường. Những đặc điểm này có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường.
- Xuất hiện những khối u ở vùng dưới nách hay cánh tay.
- Núm vú tiết dịch hoặc thụt vào bên trong. Da ở quanh 2 bên vú không căng như thường ngày mà trở nên nhăn nheo, mẩn đỏ, ngứa, đóng vảy,...
3. Phương pháp chẩn đoán các khối u tuyến vú
Dưới đây là một số phương pháp giúp chẩn đoán khối u tuyến vú:
- Tự khám vú: Phụ nữ nên thường xuyên tự khám vú để phát hiện sớm những bất thường tại tuyến vú. Thời điểm tự khám vú hợp lý nhất và chính xác nhất là khi chị em đã sạch kinh.
Nên đứng trước gương để khám vú tại nhà
- Khám lâm sàng: Ở bước này, bác sĩ sẽ kiểm tra triệu chứng và yêu cầu người bệnh cung cấp các thông tin cần thiết như tiền sử bệnh của cá nhân và gia đình.
- Chụp X-quang vú để phát hiện chính xác những khối u tuyến vú.
- Siêu âm tuyến vú để xác định tính chất của khối u là dạng đặc hay dạng lỏng và đánh giá chi tiết hơn về mức độ tổn thương.
- Chụp MRI.
- Sinh thiết.
4. Phòng ngừa u tuyến vú bằng cách nào?
U tuyến vú, đặc biệt là những khối u ung thư có thể gây ra những biến chứng sức khỏe nghiêm trọng. Vì thế, chị em không nên chủ quan. Để phòng ngừa u tuyến vú, bạn nên:
- Cho con bú đúng cách.
- Duy trì cân nặng ở mức vừa phải để đảm bảo cơ thể luôn khỏe mạnh và phòng tránh bệnh tật, bao gồm u tuyến vú.
- Áp dụng chế độ ăn lành mạnh, tăng cường hoạt động thể chất.
- Hạn chế dùng chất kích thích.
Cho con bú đúng cách để phòng ngừa ung thư vú
- Khám vú định kỳ, nhất là những đối tượng có người thân đã từng mắc u tuyến vú.
Như vậy, có thể nói rằng, u tuyến vú có thể do nhiều nguyên nhân. Không phải tất cả những người có u tuyến vú đều là do bệnh ung thư vú. Vì thế bạn không nên lo lắng thái quá. Nếu có dấu hiệu u vú, hãy đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được các bác sĩ có chuyên môn thăm khám và chẩn đoán kịp thời.